Học Giỏi Tiếng Anh Hơn Với Bí Mật Cột Cát…
Trước khi đọc tiếp, hãy hiểu rằng kinh nghiệm học giỏi tiếng Anh quý báu này có thể không giúp bạn đạt điểm cao ở trường học, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn tiến xa trong trường đời. Tại sao tôi biết ư?
Dù phải học lại tiếng Anh vỡ lòng năm lớp 6, nhưng nhờ “chăm chỉ cày”, mà cấp 2, cấp 3, tôi từng học giỏi tiếng Anh tới mức điểm tổng kết nhiều kỳ trên 9 phẩy, một số gần 10 phẩy. Tuy nhiên, sau này, tôi vẫn “ngã dập mặt” khi sử dụng tiếng Anh trong thực tế, khiến mình ngày càng tự ti.
Tôi nhận ra: mình có thể điểm cao ở trường học, nhưng vẫn “đúp” ở trường đời.
Nhưng từ khi tôi áp dụng chiến thuật “cột cát” này, tôi đã chinh phục được nhiều mục tiêu tuyệt vời, giúp tôi ngày càng tự tin hơn:
- Tự dịch hơn 6 cuốn sách của mình sang tiếng Anh (gồm 1 cuốn tiểu thuyết 500 trang).
- Vô địch diễn thuyết hài hước Toastmasters khu vực 5 nước Đông Nam Á (bằng tiếng Anh!)
- Quan trọng hơn là có thể học hỏi trực tiếp với những chuyên gia, giáo sư hàng đầu thế giới tiếp tục chinh phục các mục tiêu xa hơn, nhanh chóng hơn.
Khám phá chiến thuật học giỏi tiếng Anh qua câu chuyện: Bí mật cột cát.
Ở một ngôi làng ven biển nọ, có một cậu bé ham học hỏi. Cậu luôn ước mong sẽ trở nên tài giỏi như người cha quá cố của mình. Sau ngày đầu tiên đến trường, tay xách cặp, cậu chạy tung tăng tới gặp ông nội ở một căn chòi ngay bãi biển.
“Ông ơi, cháu đã học được rất nhiều. Cháu sẽ sớm giỏi như bố cháu!”
“Tuyệt lắm, cháu có muốn ông giúp cháu giỏi nhanh hơn không?”
Cậu bé mắt sáng rực, gật đầu lia lịa. “Dạ, chắc chắn rồi!”
Ông nội vốc một nắm cát và đổ chúng xuống sàn. “Mỗi lần cháu học được điều gì đó thú vị, hãy vốc một nắm cát ngoài kia và đổ lên đây. Nó sẽ là thước đo cho kiến thức của cháu. Núi cát càng cao, cháu càng giỏi.”
“Ngày xưa bố cháu cũng làm vậy sao?”
Ông gật đầu, rồi chỉ tay vào cái cột lớn giữa chòi, nơi có rất nhiều vết khắc. Cậu bé để ý thấy vết khắc cao nhất là có ghi: 1.8m, 1993.
“Của bố cháu đấy,” ông nội nói. “Hồi ấy chỉ trong vòng một năm đưa ra bài tập này bố cháu đã phá kỷ lục gấp ba lần của ta!”
Cậu bé nghe vậy, lại càng tự hào về bố, cậu chạy vội đi vốc nắm cát đến đổ vào chỗ ông vừa chỉ, tượng trưng cho rất nhiều kiến thức cậu mới học hôm nay, rồi lấy thước đo.
“2cm rồi ông ơi!” cậu bé reo lên và bắt đầu nhẩm tính trong đầu. “Dễ quá ông ạ, mỗi ngày 2cm, thì 3 tháng là 180cm, cháu sẽ phá kỷ lục của bố, cháu sẽ có một núi cát kiến thức khổng lồ!”
Ông nội mỉm cười, tỏ ra hài lòng lắm.
Ngày tiếp theo, cậu bé học tập hăng say trên lớp, rồi chiều về vốc tiếp cát đổ vào chỗ đã đánh dấu. Hôm sau, cậu còn đọc thêm rất nhiều sách tham khảo để thêm cát mới vào núi cát cũ, nhưng cậu sớm nhận ra một sự thật.
Bắt đầu từ nắm cát thứ ba, thứ tư trở đi, hầu hết lượng cát khi mớt rớt xuống đỉnh núi cát cũ, đã lăn hết xuống. Bán kính vùng cát ngày càng mở rộng, và chiều cao của núi cát chỉ nhích lên chưa được 1mm.
Lúc này cậu bé mới thốt lên, “Ông ơi, bao giờ cháu mới giỏi được như bố cháu???”
Người ông mỉm cười, rồi ra phía sau chòi tìm gì đó. Một lát sau, ông quay lại với một cột thủy tinh dài. Ông đặt nó lên mặt sàn, và bắt đầu vốc cát đổ vào. Chỉ sau một nắm cát, độ cao đã vượt gấp mấy lần núi cát của cậu!
“Ông ăn gian!” đứa cháu thốt lên.
Ông nội cười rồi ôn tồn giải thích:
“Ta không ăn gian, ta chỉ thực hiện theo cách khác mà thôi. Nhiều người học hết thứ này tới thứ khác, họ có thể có hiểu biết rộng như núi cát của cháu, nhưng lại không thể đạt được đỉnh cao như mong muốn. Thay vì học lan man không định hướng, hãy đổ thời gian, nguồn lực của cháu vào những cột thủy tinh, cháu sẽ vươn tới đỉnh cao nhanh hơn bao giờ hết.”
Cậu bé mắt sáng rực.
Từ đó, ngoài thời gian học trên trường với các kiến thức cơ bản, cậu bé đầu tư rất nhiều thời gian vào học một kỹ năng cậu yêu thích, cột cát của cậu ngày càng cao, giúp cậu trở thành một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực ấy, được rất nhiều tổ chức và cá nhân tin tưởng.
Bạn đã nhận ra chiến thuật cột cát chưa?
Trong bộ não của bạn có hàng tỉ các tế bào thần kinh, có khả năng tạo ra hàng tỉ tỉ liên kết.
Khi bạn học điều gì đó mới mẻ, các liên kết thần kinh hình thành. Việc bạn học thêm ngày càng nhiều từ mới, giống như đổ cát xuống sàn, các liên kết mới cũng hình thành trong não, nhưng sẽ không đảm bảo chúng bền chặt, thậm chí còn bị “lỏng” dần, giống như hạt cát lăn ngày càng xa khỏi đỉnh núi cát.
Ngược lại, có thể bạn không học nhiều từ mới, nhưng bạn dành thời gian ôn lại các từ cũ, đặt câu, áp dụng trong thực tế nhiều, sẽ giống như bạn đổ cát vào cột thủy tinh, các liên kết ngày càng bền chặt, giúp bạn tạo ra phản xạ, để sử dụng các từ ấy nhanh chóng, hiệu quả hơn nhiều.
Kinh nghiệm học giỏi tiếng Anh thực tế của tôi
Ngày xưa, tôi đã từng dành nhiều tháng để cày các danh sách từ vựng cho kỳ thi, và bạn biết điều gì xảy ra rồi đấy: Học trước quên sau, thi xong thì… quên sạch, và tới khi cần dùng trong cuộc sống thì không còn gì nữa rồi, cho dù là một phản xạ nhỏ bé, khiến tôi ngày càng tự ti hơn. Mỗi lần giao tiếp người nước ngoài, hay viết gì đó bằng tiếng Anh, tôi đều sợ.
Hồi còn ở Đà Lạt, mỗi sáng tôi đều dành ít phút để tự dịch một vài câu trong cuốn tiểu thuyết của mình sang tiếng Anh, ban đầu chưa quen, tôi phải so sánh với Google dịch, sau đó dùng Grammarly kiểm tra lại. Nhưng khi làm liên tục như vậy mỗi ngày 15-30 phút, chỉ sau vài tháng, tôi đã dịch xong cả cuốn 100.000 chữ, và tự tin hơn với việc viết tiếng Anh.
Tương tự, khi giao tiếp tiếng Anh, tôi hay sợ phát âm sai. Nhưng từ khi tham gia vào các CLB thuyết trình tiếng Anh Toastmasters, dù sợ hay không, tôi vẫn phải thực hiện việc giao tiếp và thuyết trình tiếng Anh đều đặn, kết quả là như bạn đã thấy, sau 1 năm liên tục như vậy, cuối cùng tôi đã đi thi đạt giải thuyết trình tiếng Anh. Thật là tuyệt vời phải không?
Đó chính là sức mạnh của bí mật cột cát. Khi bạn tập trung nguồn lực mỗi ngày của mình vào việc học hỏi một thứ gì đó cho thật sâu, ứng dụng kiến thức ấy cho thật nhiều việc, bạn đang biến kiến thức thành kỹ năng, và biến kỹ năng thành bản năng. Để mỗi khi cần thực hiện, bạn sẽ làm nó tự tin với kết quả tốt nhất.
Chốt lại, bí quyết học giỏi tiếng Anh theo chiến thuật cột cát là gì?
Đó là thay vì học thêm nhiều từ mới, mà không biết bao giờ bạn mới dùng, thay vì học thêm những cấu trúc phức tạp, những giáo trình xa vời mà sau đó chẳng liên quan tới cuộc sống của bạn, hãy tìm cách đưa tiếng Anh vào đời sống của bạn, gắn chặt nó với một mục tiêu nào đó cụ thể của bạn.
Suy cho cùng, tiếng Anh là một ngôn ngữ, một công cụ giúp bạn kết nối dễ dàng hơn, học hỏi nhanh chóng hơn, và đạt được mục tiêu nào đó trong cuộc sống. Đó là mục đích thực sự, là bản chất tự nhiên của ngôn ngữ, chứ không phải là một môn học để bạn đạt điểm cao ở trường học, và sau đó vẫn “đúp” ở trường đời như tôi đã từng.
Vậy cột thủy tinh cát của bạn là gì?
Nếu bạn muốn học giỏi tiếng Anh để đi du học, tốt lắm, bạn sẽ cần các chứng chỉ, bạn có thể tới lò luyện thi, học theo giáo trình. Và an tâm rằng, thường thì thi xong, bạn sẽ không dùng mấy tới chúng đâu, nên cứ học trong vui vẻ, và để chúng ra đi trong vui vẻ, sau khi bạn đã có chứng chỉ.
Nếu bạn muốn học giỏi tiếng Anh để giao tiếp tốt trong môi trường nước ngoài, thì hãy quên giáo trình đi, hãy tham gia các CLB giao tiếp thuyết trình tiếng Anh, hoặc tiếp xúc với người nước ngoài trong công việc càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.
Cột cát của tôi: Bí mật giúp biến tiếng Anh thành đôi cánh
Khi bạn thấy hơn 300+ blog trên Fususu.com, và cả tá sách tôi viết, có thể bạn sẽ tự hỏi sao Fususu có nhiều kiến thức thú vị, cũng như đạt được nhiều mục tiêu khác biệt như vậy?
Bật mí với bạn là ngày xưa, dù tiếng Anh chưa giỏi, nhưng tôi đã nỗ lực “cày” rất nhiều sách của tác giả nước ngoài, nhờ vậy, tôi không chỉ biết được những điều ít biết mà các bài trong nước không có, hoặc khá chung chung, mà còn học hỏi văn phong từ họ.
Mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo khi bạn hành động, chứ không phải hoàn hảo rồi mới hành động. Và hành động sẽ hoàn hảo hơn, khi bạn có một mục tiêu rõ ràng, phải không nào?
Hãy tận dụng tiếng Anh như một phương tiện để giúp bạn tiếp cận nguồn tri thức nước ngoài, để chinh phục mục tiêu nhanh hơn. Hãy đơn giản là tìm đọc các cuốn sách với chủ đề bạn quan tâm, bằng tiếng Anh, và đơn giản là đọc chúng mỗi ngày.
Ví dụ….
Nếu bạn có mục tiêu thuyết trình tiếng Anh tốt hơn giống tôi ngày xưa, hãy tìm đọc cuốn World Class Speaking Coach của Craig Valentine. Tôi hay gọi đây là “kinh thánh” của nghệ thuật diễn thuyết.
Nếu bạn có mục tiêu tạo dựng thói quen, thậm chí loại bỏ thói quen xấu nào đó, hãy tìm đọc cuốn Tiny Habits của giáo sư Bj Fogg, ĐH Stanford, với công trình nghiên cứu hơn 20 năm về khoa học hành vi.
Hay bạn có mục tiêu viết tiểu thuyết giống tôi? Hãy tìm đọc cuốn Snowflake Method của Randy Ingermanson, người được ví như Gandaff (Phù thủy trong Chúa Nhẫn) của làng viết tiểu thuyết.
Làm như vậy, bạn không chỉ sử dụng tiếng Anh theo đúng bản chất tự nhiên của ngôn ngữ (là một phương tiện để kết nối), mà còn đạt được mục tiêu của mình, thật tuyệt phải không?
Bạn còn biết cuốn sách nào hay bằng tiếng Anh, giúp chúng ta vừa chinh phục mục tiêu, vừa giỏi tiếng Anh hơn không? Hãy comment nhé!
Hai là bạn chưa xác định được mục tiêu học tiếng Anh của mình, đừng ngại comment nhé, có thể tôi hoặc độc giả nào đó đọc được, sẽ chia sẻ với bạn!
Nói chung, đừng để tiếng Anh cản trở thành công của bạn, đừng để những khóa học không hiệu quả làm lãng phí thời gian, tiền bạc. Nếu biết phương pháp, bạn hoàn toàn có thể tự học và dành số tiền kia để đi du lịch.
Hãy nhớ, trước khi chúng ta biết nói, tiếng mẹ đẻ cũng là ngoại ngữ. Nếu một người từng phải học lại bảng chữ cái tiếng Anh như tôi giờ có thể… viết và xuất bản sách song ngữ, thì không có gì là bạn không thể làm được!
Tất cả những gì bạn cần chỉ là một cú hích, hãy kết bạn với Fususu để khám phá phương pháp tôi đã sử dụng để giỏi tiếng Anh hơn mỗi ngày mà không cần trung tâm, không cần giáo trình, tiến bộ ngay cả khi ngủ, và biến tiếng Anh thành tiếng bố đẻ!
ĐỌC THỬ EBOOK » | XEM SÁCH GIẤY » |
Cám ơn bạn. Blog được bảo vệ bản quyền bởi DCMA. Vui lòng ghi nguồn và đặt link về bài gốc: https://fususu.com/hoc-gioi-tieng-anh/
Wow, hãy là người đầu tiên comment bạn nhé!